No Country for 'Objectively Good Film'

 
color-pomegranites.jpg

Hồi tháng Năm 2017 tôi có viết những dòng này, hôm nay vô tình đọc lại thấy ba năm sau vẫn không có gì đổi khác.

Ngày đó tôi nhớ lại cuộc nói chuyện với một cậu em cách đây gần bốn năm.
“Anh có nhớ ra bộ phim nghệ thuật nào không có phát triển nhân vật không?”

Khi ấy tôi đã trả lời cậu ấy rằng:
“Để trả lời cho câu hỏi trên thì chắc phải cần kha khá thời gian vì có quá nhiều phim chẳng dựa theo nhân vật (character-driven) hoặc dựa theo cốt truyện (plot-driven). Cái này chúng ta phải hiểu sâu hơn về điện ảnh vì phim ảnh đại chúng đã gieo vào đầu người xem một định kiến có sẵn về điện ảnh, rằng nó phải là xoay quanh cốt truyện hay nhân vật nên mới có chuyện cãi nhau, bình luận xem phim này có làm tốt phần nội dung hay phát triển nhân vật hay không. Nếu không tức là phim dở.

Nói một cách nôm na thì những phim đặc biệt mà em nhắc đến ấy có phát triển nhân vật và có nội dung, nhưng nó theo kiểu rất “khác thường”, nên ta không áp những quy chuẩn bình thường vào được.
Nói là có "phát triển nhân vật" hay không thì rất rộng, phải nói là có "phát triển nhân vật theo mô hình cấu trúc của Hollywood" không? Vì thực ra, nếu một phim hay, thì có nhân vật, sẽ tự khắc có phát triển nhân vật, nhưng trong những trường hợp này phim không đi sâu vào nói hay phác họa nhân vật hay giúp ta đồng cảm hay hiểu nhân vật. Nhân vật chỉ là một phần của cảnh quan phim (filmscape). Nhân vật ở đây là một phần không tách rời của filmscape - nếu tách rời ra thì vô nghĩa, thế nên không dùng từ "phát triển nhân vật" trong những trường hợp này.

Có những thứ đã bị gọi là "định kiến hóa", vì đã bị người ta sử dụng quá nhiều và coi là mặc định: nhìn thấy súng là nghĩ đến chiến tranh, nhìn thấy cái cửa có ghi ch exit là nghĩ đến lối thoát hiểm. Phim cũng vậy, để hiểu rõ hơn cần phải đặt mình ra khỏi những góc nhìn thông thường, giống như ta quan sát một tác phẩm nghệ thuật của một họa sĩ lớn nào đó, ta không thể nào tách riêng từng phần bức tranh ra tự hỏi mình xem phần đó ông ta làm có đúng không. Mỗi một tiểu tiết nhỏ nhất đóng một vai trò trong bố cục toàn cảnh, nhân vật cũng thế. Câu hỏi chúng ta phải tự hỏi mình là: điện ảnh muốn truyền tải điều gì?

Nội dung và cốt truyện hay? Không, nội dung (story) của phim ảnh chỉ là phương tiện (trong số nhiều phương tiện khả thi khác), không phải đích đến. Đích đến cao nhất của điện ảnh là trải nghiệm và cảm xúc. Phim làm ta khóc, ta cười, cảm nhận và suy nghĩ.”

jBRrkBp1LDrKHEt0piJAHJH978g.jpg

Sau lần nói chuyện ấy, tôi đôi khi vẫn nghĩ về câu hỏi cuối cùng cậu ấy đặt ra: “Vậy có cách nào lý giải một bộ phim hay mà không dựa theo những tiêu chuẩn thông thường?”
Về chuyện điện ảnh khách quan và chủ quan. Của những cuộc đối thoại thầm lặng tự diễn ra trong đầu mình. Trước tiên tôi luôn cho rằng phim cũng là một loại hình nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì không thể có đánh giá khách quan. Khi ta đánh giá và viết về phim, sâu trong tiềm thức mỗi người đã bị ảnh hưởng bởi thế giới quan, ký ức, trải nghiệm, giáo dục, gia đình, tiêu chuẩn xã hội, những gì mình thích và ghét, cảm xúc, những mối quan hệ. Những gì ta cảm nhận được từ một bộ phim, nói cho cùng chỉ là sản phẩm đã qua chỉnh sửa của hàng vạn bộ lọc kể trên, dù tự thân anh có không chịu thừa nhận hay không. Đó là lý do ta đồng cảm với những người có ý kiến giống với mình và phủ nhận các suy nghĩ khác - tôi và bạn, chúng ta đều cần sự thiên vị của mình được công nhận.

Không có cách nào để đánh giá/sản xuất một bộ phim khách quan mà không thay đổi bản chất tự nhiên của từ khách quan.

Có một giọng nói khác phản biện rằng, vẫn có những bộ phim được công nhận là hay một cách phổ biến và hầu hết bởi người xem, cả phê bình lẫn đại chúng đó thôi. Citizen Kane, Casablanca, The Godfather...? Cậu không thấy hay thì đó là ý kiến cá nhân, rằng cậu không thích thôi chứ không phải nó dở.

Nhưng chẳng phải hay/dở ở đây cũng chỉ là hai tính từ mang tính chủ quan hay sao? Đã gọi là khách quan (objective) thì phải cân đo đong đếm được bằng định lượng. Ai là người đặt ra định lượng cho phim?

Cần phải nói thêm rằng, những phim như Citizen Kane hay Seven Samurai được hầu hết những người mê phim công nhận vì chúng cực kỳ hoàn hảo về mặt kỹ thuật, kỹ thuật làm phim (cinematic techniques) nói chung, không phải nói riêng về máy móc (technical aspect). Nhưng mục đích cuối cùng của chúng cũng không phải là sự hoàn hảo mà dựa vào sự hoàn hảo đó để mang lại cảm xúc!

Xét về mục tiêu tối thượng, chúng cũng không khác gì những phim (cũng được số ít tôn vinh, kén người xem hơn) không hoàn hảo về kỹ thuật làm phim - phim kiểu này đã gột bỏ đi một bước trung gian ở giữa để đi thẳng vào vấn đề.

Trier với phong trào điện ảnh Dogme 95 chỉ quay phim và thu âm ở hiện trường, không ánh sáng nhân tạo, kỹ xảo hậu kỳ, không production design, máy quay phải cầm tay (handheld)...

Robert Bresson với phong cách không thuê diễn viên chuyên nghiệp, bắt họ diễn hơn 20 lần một cảnh để cho mệt, loại bỏ hoàn toàn yếu tố kịch/diễn.

Sergej Parajanov, người cho rằng điện ảnh là một loại hình nghệ thuật vị giác (visual storytelling), chứ không phải kể chuyện (narrative).

Wim Wenders, người làm ra những bộ phim quay hôm nay xong viết kịch bản cho hôm sau hay kịch bản dài vỏn vẹn chín trang.

Michelangelo Antonioni, người thách thức những giá trị dẫn truyện truyền thống.
Werner Herzog, người kéo cả con tàu 320 tấn lên núi và bắt diễn viên ăn nằm trong rừng Amazon nhiều tuần để quay cho thật.

Zoltan Fabri, một kẻ độc tài trên trường quay. Viết kịch bản, vẽ moodboard và tổng duyệt các cảnh phim cho đến độ chính xác cao nhất nhiều tháng trước khi bắt đầu quay - không cho phép một chút biến tầu hay tuỳ cơ ứng biến nào từ mọi phía.

Jean Cocteau, hồi đó 20 tuổi, đứng cạnh nào những Apollinaire, Picasso, Eric Satie. Viết thơ, vẽ tranh, sáng tác nhạc, biên đạo múa, viết tiểu thuyết. Phim của ông chẳng phải là phim, chạy và lướt như câu từ trên hình ảnh. May cho Cocteau có nhiều nhà tài trợ nên làm phim không bao giờ phải nghĩ đến thu hồi vốn.

Bela Tarr với Sátántangó dài gần tám tiếng hay The Turin Horse chỉ gồm 30 cảnh quay - những phim nặng nề về sự tồn tại của con người mà ông đơn thuần tự miêu tả rằng: ông kể các câu chuyện phản-sáng tạo.

Luis Buñuel sử dụng thứ ánh sáng xấu nhất, bẹt nhất cho dụng ý của ông trong Belle de Jour.

David Lynch tạo ra cả một vũ trụ Lynchian đầy ma mị, ác mộng.

Roy Andersson, một trong những kỳ nhân dị sĩ chẳng giống ai của điện ảnh thế giới.

….

Giọng nói kia phản biện: nhưng đó là mặt cảm xúc, còn phim bao giờ cũng có hai mặt cảm xúc và kỹ thuật (quay phim, màu sắc, dẫn truyện, nhân vật, ánh sáng, chuyển động máy quay, phối cảnh...) - nếu không cân đo đong đếm được cảm xúc người ta vẫn có thể định lượng được mặt kỹ thuật như Citizen Kane mà?

Sai. Vì đối với những tài năng đã thoát ra khỏi khuôn khổ thông thường, những quyết định tưởng chừng mang tính kỹ thuật của họ (máy quay đặt ở đâu, chọn tiêu cự bao nhiêu, di chuyển như nào, flow giữa các cảnh...) không hề mang tính kỹ thuật, mà có vai trò biểu hiện (expressive). Biểu hiện của tầm nhìn. Biểu hiện của phong cách nghệ thuật cá nhân. Biểu hiện của thế giới quan người sáng tạo. Và không bao giờ chỉ có duy nhất một cách làm đúng, không bao giờ có lựa chọn tốt hay dở, không thể phán xét với một trí tuệ đóng. Trên thực tế trong quá khứ những nghệ sĩ vĩ đại luôn là người đi trước thời đại và những tư tưởng phong cách của họ hoàn toàn lạc nhịp với những tiêu chuẩn nghệ thuật của giai đoạn họ sống. Cái gì vĩ đại ắt sẽ kéo theo tín đồ và chính sự ảnh hưởng của họ biến sự lạc nhịp ấy trở thành một phong trào điện ảnh mới.

Phong trào phim Đức biểu hiện (German Expressionism) phá vỡ và đi ngược lại với xu thế phim hiện thực.

Phong trào phim Ý tân hiện thực (Italian Neorealism) dùng diễn viên nghiệp dư, quay trực tiếp ngoài trời - đối nghịch hoàn toàn với phim Ý với kinh phí khổng lồ, phim trường hoành tráng và trang phục bắt mắt (dù nó bắt nguồn như một lời đáp trả cho những câu hỏi về mặt xã hội hơn là phong cách).

Phong trào phim Pháp mới (French New Wave) như một sự thách thức của các đứa trẻ nghiền phim sinh thời hậu chiến ở Paris chống lại những bộ phim lịch sử hào nhoáng, bất khả chiến bại không ai dám động đến ở các liên hoan phim.

Phong trào phim Hàn Quốc mới (Korean New Wave) với tham vọng nghiên cứu các hiện tượng xã hội, nhưng đồng thời giữ vững các giá trị thuần nghệ thuật, thay vì biến thành hẳn nghệ thuật vị nhân sinh thời kỳ hậu độc tài (1987).

Phong trào phim Iran mới (Iranian New Wave) đậm chất thơ với một thứ ngôn ngữ điện ảnh mới lạ nhờ kiên quyết gạt bỏ sự ảnh hưởng của Hollywood và phim Ấn.

Thập niên sáu mươi ở Hungary đã mang đến một làn sóng điện ảnh mới, đặc trưng bởi những chất vấn gay gắt về các sự kiện và cách tiếp cận điện ảnh của những thập kỷ trước, đặc biệt là những năm năm mươi.

....

Điện ảnh vận động và biến chuyển không ngừng, song song với xã hội và con người. Ở thời điểm phim ảnh bão hoà và những gì tinh tuý đã được phát tiết hết, sẽ không có chỗ dung thân cho những bộ phim nửa vời muốn làm hay một cách khách quan, ai cũng thích.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần một New Wave mới?

Donate / SUPPORT ME SO I CAN CREATE MORE QUALITY CONTENT!

SUPPORT ME SO I CAN CREATE MORE QUALITY CONTENT / ỦNG HỘ MÌNH LÀM TIẾP NHỮNG NỘI DUNG NHƯ NÀY:

https://paypal.me/ThuThuyDao
https://www.patreon.com/her86m2

PHOTO EDITING PRESETS FOR LIGHTROOM / PRESETS CHỈNH ẢNH:

https://www.her86m2.com/store

STAY CONNECTED / KẾT NỐI VỚI MÌNH:

Website: https://www.her86m2.com
Facebook: https://www.facebook.com/th.thuydao
Instagram: https://www.instagram.com/thuydao__/

Sign up on airbnb using this link and get $40 off on your first booking! https://www.airbnb.de/c/thuyd1712