Letters from Fontainhas

 
29352010_10215617889660972_5636162352384197825_o.jpg

Trong thời đại của political correctness thì việc đá sang chính trị hay bản thân đạo diễn trong khi bình phim đã trở thành một mốt thời thượng thay vì nói về giá trị bản thân tác phẩm. Như Peter Kubelka từng nói, “Political correctness is a dirty word.” - hay Godard cảm thán ông ta thấy tiếc không phải vì có quá ít phim về các trại tập trung, mà vì có quá nhiều phim về trại tập trung với dụng ý không tốt và mưu đồ đằng sau.

Khó lòng một bộ phim về dục tính không bị đưa lên giàn hoả thiêu bởi một tập đoàn các nhà nữ quyền, rằng một gã đàn ông trung niên dị tính thì biết quái gì về tình dục của hai cô gái đồng tính. Khó lòng để một đạo diễn da trắng làm phim về một nước da màu mà không bị chỉ trích về góc nhìn phiến diện. Nhưng chúng ta đã quên mất rằng điện ảnh là chủ quan, dù góc nhìn chủ quan đó thuộc đạo diễn hay nhân vật.

Không phải đạo diễn nào cũng có đủ gan (và cả sự xa xỉ) của việc dám đi ngược dòng, và hậu quả tất yếu là giờ người ta chỉ dám làm những bộ phim về đời mình, tự sự, góc nhìn thân thuộc, của sự an toàn. Một gã da trắng phương Tây làm phim về Kenya có thể không phải sự thật, nhưng một gã Swahili hay một gã Masai làm phim về Kenya cũng không phải toàn bộ sự thật. Phim của hai gã gộp lại, may ra, mới đạt đến điểm gần nhất của sự thật. Dù sự thật ấy có méo mó hay dị dạng đến mức như nào đi nữa.

29354513_10215617892861052_2508558002328400337_o.jpg

Bộ ba phim “Những lá thư từ Fontainhas” của Pedro Costa kì tài ở chỗ chỉ từ một góc nhìn của mình ông đã đưa ra ánh sáng cuộc sống của khu ổ chuột Fontainhas ở Lisbon dưới cả lăng kính của một kẻ trong cuộc và ngoài cuộc. Costa tự thừa nhận mình chỉ là một khách du lịch ở Fontainhas, không hơn không kém – nhưng cảm giác của cả ba phim Ossos, In Vanda’s Room và Colossal Youth mang lại rất sống động và thật. Một sự pha trộn kì lạ của cảm giác phim tài liệu, phối cảnh tableau, bố cục trường phái thể hiện với ánh sáng và chất liệu của Velasquez và Vermeer.

Pedro Costa với tôi là một trong những bậc thầy của điện ảnh hiện đại, phim của ông đẹp. Không đẹp lung linh kiểu bưu thiếp hay rực lửa khiến người ta lao vào như thiêu thân – cái đẹp kiểu trầm mặc khiến người ta phải bóc tách từng lớp, sau mỗi tầng lớp lại ẩn chứa những khám phá mới. Điều tối kị là đưa ra quá nhiều những thông tin thẳng đuột trong khung hình – khung hình của Costa dày đặc thông tin, nhưng chúng mang tính chủ đề thay vì tiểu tiết.

“Nếu Lisbon trời mưa một tiếng, nó sẽ kéo dài năm tiếng ở Fontainhas.”
Người xem bị quẳng vào một thế giới lạ – thế giới Fontainhas ta dần làm quen không được Costa nhào nặn dưới hình hài một nơi chốn mà giống một nhân vật chính. Hay nói cho đúng, một chủ đề, một ý tưởng. Với cách sử dụng máy quay rất tiết chế, những câu chuyện của Fontainhas hiện ra vì nó đã tồn tại ở đó rất lâu rồi, chứ không phải đang được kể lại. Những con đường lặng im vắng bóng người trở thành nhân vật phản diện đối lập lại thế giới .

29665361_10215617893781075_1285705092284299084_o.jpg

Ở Fontainhas có một người phụ nữ trẻ xuất hiện lặp lại chẳng có đóng góp gì cho cốt truyện như một phần bản thể của máy quay, thông qua đó nhân vật của Costa họ như ý thức được sự có mặt và ánh mắt của tôi và bạn, họ quay lưng đi, kéo rèm, đóng cửa lại, giới hạn những gì ta có thể nhìn thấy trong thế giới của họ. Nó vừa là nhà vừa không phải là nhà của những người nhập cư nghèo. Thế giới của những hành lang dài, giống hang động hơn là nhà cho người ở. Của những con đường tăm tối, những nhà máy bỏ hoang, những chiếc thang máy hiện đại sáng loáng. Thế giới của những cánh cửa cũ nát đầy uẩn khúc, tự đóng lại, không chịu mở ra như không muốn cho ta chứng kiến những căn phòng tranh tối tranh sáng đằng sau. Thế giới của những chiếc máy vô tuyến chạy mãi không tắt. Thế giới của không hội thoại, vì tiếng nói chỉ dùng để độc thoại. Chẳng ai nghe ai, họ chỉ tự nói với bản thân mình cho đến khi nỗi buồn tràn đầy.

Tôi mơ thấy mình đang ở Fontainhas giữa một ngày đông lạnh - có một điều chắc chắn rằng đó không phải một giấc mơ đẹp đẽ. Chẳng có gì để chứng minh dấu hiệu của sự sống ngoài những con chim đang bay vòng quanh trên bầu trời xám xịt. Costa nói ông làm phim giống như viết thơ tình dành cho những người thấy mỏi mệt. Tiếng của ngôn ngữ, mùi của biển, ánh mắt xa xăm của những người bộ hành gốc châu Phi và Ả Rập. Một người đàn ông gầy trơ xương đến từ Cape Verde. Những người khác, Angola, Guinea-Bissau...
Fontainhas là thế giới của âm thanh, người ta đang dỡ một khu nhà nào đó gần đấy, tiếng súng, tiếng trẻ con chạy, tiếng vô tuyến, tiếng người mang cửa hỏng đi vứt, tiếng ai đó kể về thời tù tội. Rồi lại tiếng súng. Âm thanh ở đây chính là khoảnh khắc, kí ức, là nơi sự chủ quan giao thoa với khách quan. Như phong trào làm phim Cinéma vérité do Jean Rouch khởi xướng, máy quay chính là con mắt của Costa, ông đồng hành với nhân vật của mình lao vào vô định như tự nhiên như cuộc sống vẫn vậy. Không dẫn dắt, không tô vẽ, Costa không có ý định mô tả Fontainhas, ông quan sát và lắng nghe, không nhấn mạnh, chẳng phán xét nhưng tiếng nói chủ quan vẫn hiện diện, bộ ba phim có khả năng khiến tôi tự khám phá những cảm xúc của mình về nơi này: cuộc sống, sự vô tội, hối hận, tức giận, chối bỏ, nhục nhã, nhiệt huyết, khao khát…

Ai dám bảo đây là phim của một gã đàn ông da trắng có đặc quyền?

Donate / SUPPORT ME SO I CAN CREATE MORE QUALITY CONTENT!